Tiểu sử Thu Cẩn

Những năm đầu

Thu Cẩn sinh ngày 08 tháng 11 năm 1875 (tức ngày 11 tháng 10 Giáp Tuất, Quang Tự nguyên niên – 光绪元年, năm thứ nhất Quang Tự Đế Thanh Đức Tông) tại Hạ Môn,[Ghi chú 2] tỉnh Phúc Kiến, Đại Thanh, nguyên quán tại huyện Sơn Âm (山阴县), tỉnh Chiết Giang.[5] Sinh ra trong một gia đình tri thức họ Thu, với ông cố là Thu Gia Thừa (秋家丞), nguyên Huyện lệnh huyện Thượng Hải,[Ghi chú 3] ông nội là Thu Gia Hòa (秋嘉禾), nguyên Đồng tri trấn Lộc Cảng, Đài Loan,[Ghi chú 4] bố là Thu Thọ Nam (秋寿南), nguyên Tri châu Quế Dương, Sâm Châu, Hồ Nam. Các đời tổ tông đều là quan chức địa phương nhà Thanh, nhiều lần chuyển vị trí công tác, ảnh hướng lớn tới tuổi trẻ của Thu Cẩn. Vào tháng 09 năm 1881, khi Thu Cẩn sáu tuổi, ông nội của Thu Cẩn, Thu Gia Hòa rời Vân Tiêu, tỉnh Phúc Kiến, đến Đài Loan công tác. Năm sau, 1885, cha Thu Cẩn bắt đầu phục vụ tại Phủ Đề đốc tỉnh Phúc Kiến, bảo vệ Huyện lệnh, được phân công tới Đài Loan làm việc.[Ghi chú 5] Năm 1886, Thu Thọ Nam ở Đài Loan, nhờ người thân của mình chăm sóc các thành viên gia đình, đưa gia đình đến Đài Loan. Thu Cẩn đi qua Thượng Hải cùng với mẹ và anh chị em, bị trì hoãn vài tháng, sau đó đi trên một chiếc thuyền và đến Đài Bắc vài ngày sau. Ba tháng sau, Thu Cẩn trở về Hạ Môn cùng mẹ.[6] Từ lúc trẻ tuổi, Thu Cẩn đã được đi khắp các tỉnh thành vùng Hoa Nam, Hoa Đông cùng gia đình.

Bởi trong một gia đình tri thức, Thu Cẩn được dạy học đầy đủ về ngôn ngữ, thơ ca, văn học, lịch sử. Thu Cẩn tiếp thu học tập tốt và bắt đầu thể hiện khả năng văn chương, thi ca từ nhỏ. Trong những năm tháng đó, bà cũng yêu thích võ thuật, bắt đầu tập võ và kiếm pháp cùng các anh trai.

Lập gia đình

Nơi ở cũ của Thu Cẩn và gia đình ở Tương Đàm những năm 1896.

Năm 1894 (Quang Tự thứ hai mươi), cha của bà, Thu Thọ Nam được điều chuyển công tác ở huyện Tương Hương, tỉnh Hồ Nam. Cả gia đình cùng theo bố chuyển tới sống ở Hồ Nam. Thời gian này, Thu Cẩn được bố mẹ định lập gả làm thê tử của Vương Đình Quân, một thanh niên trong gia đình giàu có người Tương Đàm, Hồ Nam, cháu họ của đại thần lỗi lạc Tăng Quốc Phiên vào năm 1894, khi 19 tuổi. Năm 1894, ông nội Thu Gia Hòa qua đời, đám cưới của Thu Cẩn được hoãn, chịu tang ông. Năm 1896, (Quang Tự thứ hai mươi hai), Thu Cẩn kết hôn với Vương Đình Quân, lúc này Thu Cẩn 21 tuổi, chồng 17 tuổi.[Ghi chú 6] Vương Đình Quân mở hiệu cầm đồ Nghĩa Nguyên, hai vợ chồng cùng sống ở Tương Đàm và Thu Cẩn cũng thường trở về quê nhà. Năm 1897, bà sinh con trai đầu lòng là Nguyên Đức – 元德 (Vương Nguyên Đức).[Ghi chú 7] Năm 1901, bà hạ sinh con gái Quế Phân – 桂芬 (Vương Xán Chi).[Ghi chú 8] Vào ngày 26 tháng 11 năm 1901, cha là Thu Thọ Nam bị bệnh qua đời khi đang là Tri châu Quế Dương, Sâm Châu, Hồ Nam.

Trong những năm ở Hồ Nam, Thu Cẩn thân thiết với Đường Quần Anh (唐群英)[Ghi chú 9]Cát Kiện Hào (葛健豪)[Ghi chú 10]. Ba người thường cùng nhau giãi bầy, làm thơ và thân thiết như chị em gái. Họ được gọi là Tiêu Tương tam đại nữ hiệp (潇湘三女杰).[Ghi chú 11][7]

Biến cố Bắc Kinh

Năm 1900, bằng quan hệ họ hàng và tiền bạc, Vương Đình Quân được chuyển tới sống ở Bắc Kinh, với chức vụ Chủ sự của Bộ Hộ Đại Thanh.[Ghi chú 12] Thu Cẩn theo chồng lên thủ đô. Quãng thời gian này bắt đầu có những chuyển biến lớn đối với Thu Cẩn. Thu Cẩn được tiếp xúc với xu thế thay đổi xã hội Trung Quốc, các vấn đề trung tâm của đất nước, vào đúng thời điểm mà Liên quân tám nước chiếm lĩnh Bắc Kinh. Thu Cẩn hiểu thêm nội tại và khao khát bình đẳng nữ quyền, muốn giới phụ nữ tự chủ, được tự do ngang hàng với nam giới sau lịch sử lâu dài chịu sự chèn ép suốt phong kiến. Tư tưởng của Thu Cẩn được khai phát, khi mà bà mong mỏi người Trung Quốc trở nên mạnh mẽ, thay đổi triều Thanh, đối đầu với những khó khăn khi bị xâm lược, khống chế bởi ngoại quốc. Chẳng mấy chốc, Thu Cẩn và chồng gặp khủng hoảng hôn nhân, khi mà Vương Đình Quân là một người cổ hậu, phong kiến. Hai người ly thân.[Ghi chú 13]

Chặng đường cách mạng dân chủ

Dưới sự khuyên bảo và hỗ trợ của người bạn là Đường Quần Anh, tháng 05 năm 1904, Thu Cẩn đã bán đồ trang sức và gây quỹ, vượt qua lề lỗi phong kiến để đến Nhật Bản du học, bởi Nhật Bản là đế quốc hùng mạnh lúc này. Thu Cẩn liên tục tham gia Hội thảo tiếng Quan thoại (Hội thảo Nhật Bản) và Trường Thực hành Nữ sinh ở Chiyoda, Tokyo để học tiếng Nhật.[8] Trong thời gian ở Nhật Bản, Thu Cẩn đã tích cực tham gia vào các hoạt động cách mạng của sinh viên Trung Quốc học tập tại Nhật Bản, cùng với Trần Hiệt Phân (陈撷芬), Lưu Đạo Nhất (刘道一) tổ chức hoạt động thanh niên. Bà hướng về nỗ lực tìm đường cách mạng dân chủ và nhân quyền cho Trung Quốc.[Ghi chú 14]

Đại Thông học đường, Thiệu Hưng, Chiết Giang. Nơi Thu Cẩn và Quang phục Hội giảng dạy tổ chức.

Thu Cẩn cùng Phùng Tự Do (冯自由) và Lương Mộ Quang (梁慕光) phối hợp bộ ba hoạt động ở Yokohama, được Tôn Trung Sơn chỉ dẫn, được xem như hội quân sư. Bà cùng nhau phối hợp đoàn kết du học sinh Trung Quốc ở Nhật Bản, phụ tá Tôn Trung Sơn tìm kiếm phương thức cải cách và cách mạng Trung Quốc. Đường lối thoát khỏi phong kiến nhà Thanh, hướng tới tự do, độc lập, nhân quyền nhân ái, nữ quyền khởi xướng là mục tiêu và hoạt động của Thu Cẩn. Thu Cẩn được Tôn Trung Sơn giao cho công việc tuyên truyền báo chí, bà đã áp dụng kinh nghiệm phương Tây, liên tục đưa ra những lời kêu gọi công khai: "Phụ nữ Trung Quốc đang vô cùng bị chèn ép, vô cùng yếu thế, và lẽ đó khiến Trung Quốc bại vong. Phong kiến lạc hậu, xấu xí, nữ quyền hãy đứng lên, đoàn kết cứu quốc!"[9]

Năm 1905, Thu Cẩn trở về nước. Vào tháng 05 và tháng 06, Từ Tích Lân (徐锡麟)[Ghi chú 15] đã giới thiệu Thu Cẩn gia nhập Quang phục Hội. Vào ngày 15 tháng 07, Thu Cẩn tới Nhật Bản một lần nữa phục vụ hoạt động. Vào tháng 08, bà được Hoàng Nguyên Tú (黃元秀) và Phùng Tự Do giới thiệu cùng Hoàng Hưng, gia nhập Trung Quốc Đồng minh Hội,[Ghi chú 16] tổ chức đoàn kết nhân dân Trung Quốc được thành lập bởi Tôn Trung Sơn nửa tháng trước đó. Tình hình cuộc cách mạng diễn ra nhanh chóng, tiến triển tốt những năm tháng này.[10]

Vào tháng 02 năm 1906, Thu Cẩn lại trở về nước, phản đối "Quy tắc cấm đối với sinh viên Đại Thanh học tập tại Nhật Bản" do Bộ Giáo dục Nhật Bản ban hành vào ngày 02 tháng 11 năm 1905. Trước khi trở về Trung Quốc, Thu Cẩn tham gia lễ tưởng niệm Trần Thiên Hoa.[11] Mang tư tưởng quyết tâm kêu gọi người Trung Quốc trở về quê hương vì đất nước, Thu Cẩn liên tục kêu gọi sinh viên. Bà thúc dục những người thanh niên hồi quốc, chống lại nhà Thanh vì đất nước mới.[Ghi chú 17]

Vào tháng 01 năm 1907, Trung Quốc nữ báo được thành lập tại Thượng Hải bởi Thu Cẩn và nhóm bằng hữu. Trung Quốc nữ báo (中国女报) chỉ có hai số được xuất bản.[12] Số đầu tiên được xuất bản vào ngày 14 tháng 01 năm 1907 và số thứ hai được xuất bản vào ngày 04 tháng 03 năm 1907. Cả hai số đều hướng về định hướng cách mạng dân chủ Trung Quốc và nữ quyền Trung Quốc. Thu Cẩn quyết liệt thể hiện ở Trung Quốc nữ báo: Thế giới phụ nữ đang thức tỉnh, loài sư tử tỉnh dậy, chúng ta là thủ lĩnh nền văn minh.[10]

Thu Cẩn trở lại nguyên quán Thiệu Hưng vào tháng 03, cùng với Từ Tích Lân thành lập Minh Đạo nữ sinh học đường (明道女子学堂). Ngay sau đó, cùng với Từ Tích Lân quản lý Đại Thông học đường (大通学堂. Được thành lập năm 1905 bởi Từ Tích Lân), trụ sở của Quang phục Hội Thiệu Hưng, tập trung giảng dạy tổ chức chuẩn bị cho cuộc nổi dậy An HuyChiết Giang.[13] Tôn Trung Sơn phân công Thu Cẩn lãnh đạo Đồng minh Hội nhánh Chiết Giang, bà cùng Từ Tích Lân mở rộng Đồng minh Hội, tăng cường giảng dạy, tạo tổ chức, lực lượng chuẩn bị cho thiết lập mục tiêu bắt đầu kháng chiến chống Thanh dọc sông Dương Tử.

Cao trào và hy sinh

Tháng 07 năm 1907, dưới lãnh đạo của Từ Tích Lân, cuộc nổi dậy chống Thanh của Đồng minh Hội bắt đầu, lần lượt tại An Khánh, Kim Hoa, nhưng tất cả đều khó khăn. Vào ngày 06 tháng 07, Tích Lân đã ám sát Tuần phủ An Huy là Ân Minh (恩铭) tại An Khánh. Ngay sau đó, ông bị quân Thanh bắt và giết, cuộc nổi dậy tại An Khánh đã thất bại, phong trào nổi dậy vùng An HuyChiết Giang bị dập tắt. Dưới tình hình đó, Thu Cẩn từ chối rời Thiệu Hưng trong tình thế nguy hiểm, đã nói rằng: "Cuộc cách mạng sẽ chỉ thành công nếu đổ máu. Tôi không rời Thiệu Hưng."[14] Bà tiếp tục giảng dạy tại Đại Thông học đường, tổ chức lại hệ thống Đồng minh Hội.

Ấn phẩm Nữ anh hùng Thu Cẩn, Nhà xuất bản Thượng Hải năm 1919.

Mấy ngày sau đó, Tuần phủ Chiết Giang Trương Tăng Dương (张曾敭) (chú của Trương Chi Động) đã lập tức điều quân điều tra vụ việc, niêm phong Đại Thông học đường. Với vị trí là thành viên Đồng minh Hội, lãnh đạo Đồng minh Hội nhánh Chiết Giang cũng như là đồng chí của Từ Tích Lân, dựa trên tình báo của những thành viên Quang phục Hội, Thu Cẩn trở thành mục tiêu cuộc đàn áp. Vào ngày 14 tháng 07 năm 1907, quân Thanh dưới chỉ huy bởi Huyện lệnh Sơn Âm Lý Chung Nhạc tại Thiệu Hưng, tới Đại Thông học đường mục tiêu bắt giữ người cách mạng để điều tra. Quân Thanh nhanh chóng phá vỡ cửa trường, dùng súng tiến vào truy lùng. Quân lính nhắm súng vào Thu Cẩn nhưng không bắn vì Huyện lệnh Hội Kê ngăn cản. Thu Cẩn và 08 học sinh đã bị bắt. Ngoài ra, một người bị chết đuối dưới sông trong lúc chạy trốn, một người ngã chết bên ngoài bức tường của trường. Cuộc bắt giữ kết thúc với nhiều viên đạn được tìm thấy.[15]

Thu Cẩn bị bắt tại Đại Thông học đường và bị giam tại nhà tù. Sau đó, các quan huyện trong đó có Lý Chung Nhạc tiến hành ba phiên xét xử, dưới lãnh đạo và quyết định của Tri phủ Thiệu Hưng Quý Phúc (贵福). Quý Phúc ra lệnh điều tra toàn diện cả hoạt động và nhân thân, ra lệnh truy lùng bắt gia quyến của Thu Cẩn. Lý Chung Nhạc đã che giấu và bỏ qua quá trình đó. Trong suốt xét xử, Thu Cẩn đã viết: 秋风秋雨愁煞人 (Thu phong Thu vũ sầu sát nhân),[Ghi chú 18] mong muốn bảo vệ người khác bằng lý tưởng cao cả. Sau đó, Lý Chung Nhạc đã đến Thiệu Hưng để báo cáo với Quý Phúc. Quý Phúc trở nên tức giận, tới Hàng Châu báo cáo với Trương Tăng Dương rằng Thu Cẩn đã thừa nhận tội ác bạo loạn.

Vào lúc 04 giờ sáng ngày 15 tháng 07 năm 1907, Thu Cẩn bị xử chém đầu ở đoạn đầu đài, lối vào ở cửa Cổ Hiên Đình (古轩亭口), Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Thu Cẩn qua đời khi mới 31 tuổi.[16]

Sau đó, thi hài của Thu Cẩn được những người ngưỡng mộ đem chôn ở núi Ngọa Long (卧龙山), Thiệu Hưng. Cuộc đàn áp phụ nữ và những người cách mạng tiếp tục được đẩy mạnh. Tại Thiệu Hưng, huyện lệnh Lý Chung Nhạc, người tham gia quá trình xử lý Thu Cẩn đã tự tử tháng 10 năm 1907, bởi hối hận xử tử bà.[17]

Ký sự về sau

Đài tưởng niệm nữ anh hùng Thu Cẩn ở cổng Cổ Hiên Đình, Thiệu Hưng, Chiết Giang.

Cái chết của Thu Cẩn đã trở thành một điểm nhấn đẩy mạnh mức độ và quy mô cách mạng một cách nhanh chóng. Năm 1908, Hồ Đạo Nam (胡道南), thành viên Quang phục Hội, người phản bội Thu Cẩn đã bị ám sát. Tôn Trung Sơn lãnh đạo các phân nhánh Đồng minh Hội khắp nơi nổi dậy, lấy hình dáng Thu Cẩn làm biểu tượng cho những người phụ nữ tự do, thành công Cách mạng Tân Hợi năm 1911.[18]

Mộ Thu Cẩn ở Hàng Châu, Chiết Giang.

Năm 1912, hài cốt của Thu Cẩn được chuyển về nghĩa trang Tây Hồ, Hàng Châu, được xây dựng lại khuôn viên bằng gạch đỏ.[19] Vào ngày 10 tháng 12 cùng năm, Tôn Trung Sơn đã thăm ngôi mộ, và viết một tiêu đề: "Những năm tháng Edo, chúng ta và lời thề Đồng minh Hội; Hiên Đình bích huyết, tôi xấu hổ trước nữ anh hùng."[20] Bên cạnh lăng mộ của Thu Cẩn, một bức hàng gió và mưa đã được xây dựng, đặt tên theo bài thơ: "Gió mùa Thu, mưa mùa thu và nỗi buồn".[21]

Năm 1936, con trai của Lý Chung Nhạc là Lý Giang Thu (李江秋), ký giả Nhật báo Dân Quốc (民国日报) đã đến Hàng Châu thăm mộ Thu Cẩn, gặp Thu Tông Chương, anh trai của Thu Cẩn. Thu Tông Chương nói với Lý Giang Thu rằng, chị gái của ông và Thu Cẩn sống gần nhau ở Thiệu Hưng, năm 1907 trong cuộc đàn áp, cả gia đình đều phải chạy trốn. Năm đó, Lý Chung Nhạc đã cố gắng bảo vệ gia đình ông và chị gái, không truy đuổi. Lý Chung Nhạc tử tự vì cảm nhận lỗi lầm trong cái chết của Thu Cẩn, thật đáng kính.

Vào năm 1956 và 1964, Mao Trạch Đông hai lần chỉ thị xây dựng lại khu nghĩa trang Tây Hồ, Hàng Châu bởi có quá nhiều ngôi mộ ở đây.[22] Vào ngày 28 tháng 01 năm 1965, Ban Quản lý vườn Hàng Châu đã đem hài cốt và di vật của Thu Cẩn đặt ở ngôi mộ mới, núi Cát Khánh (吉庆山).

Vào năm 1981, ngôi mộ của Thu Cẩn đã được xây dựng lại ở đầu kia của cầu Tây Linh (西泠桥), Tây Hồ, Hàng Châu. Bức tượng chân dung của Thu Cẩn được đúc toàn bộ bằng ngọc trắng Trung Quốc, cao 2,7 mét với dòng chữ viết: "Nữ anh hùng cân quắc" (巾帼英雄) của Tôn Trung Sơn.[23] Từ đó cho đến nay, ngôi mộ của Thu Cẩn được đặc biệt quan tâm, bảo vệ và chăm sóc tại Hàng Châu, là một nơi nổi tiếng được đông đảo người dân tới thăm, kính viếng các dịp hằng năm.

Gia đình

Nơi ở cũ của Thu Cẩn những năm tại Thiệu Hưng 1907.
  • Ông nội: Thu Gia Hòa (秋嘉禾), Đồng tri trấn Lộc Cảng, Đài Loan.
  • Bà nội: Dư thị (余氏 – phụ nữ họ Dư).
    • Bố: Thu Thọ Nam (秋寿南), Tri châu Quế Dương, Sâm Châu, Hồ Nam.
    • Mẹ: Thiện thị (单氏 – phụ nữ họ Thiện).
    • Mẹ hai: Tôn thị (孙氏 – phụ nữ họ Tôn).
      • Anh trai: Thu Dự Chương (秋誉章).
      • Chị gái: Thu Khuê Trình (秋闺珵).
      • Anh trai, con mẹ hai: Thu Tông Chương (秋誉章).
      • Chồng: Vương Đình Quân (王廷钧).
        • Con trai: Vương Nguyên Đức (王沅德).
        • Con gái: Vương Xán Chi (王灿芝).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thu Cẩn http://news.cntv.cn/20110929/100027.shtml http://politics.people.com.cn/GB/8198/203099/20310... http://www.shaoxing.com.cn/news/content/2009-06/24... http://news.sina.com.cn/c/sd/2009-06-30/1229181234... http://hnrb.voc.com.cn/hnrb_epaper/html/2008-11/14... http://wfwb.wfnews.com.cn/content/20140114/Articel... http://newpaper.dahe.cn/jrab/html/2008-07/15/conte... http://www.zjww.gov.cn/unit/2006-02-21/50916096.sh... http://autumn-gem.com/ http://chinesepoetryinenglishverse.blogspot.com/20...